"Thị trường đang rất tệ"
Ông Nguyễn Hữu Thắng,ếtnàycóthiếuthịomo chủ trang trại Hoa Phượng (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - một trong những chủ trang trại chăn nuôi heo có nhiều năm kinh nghiệm, thở dài nói: Thị trường hiện rất tệ. Giá cuối tháng trước còn 51.000 - 52.000 đồng/kg nhưng mấy ngày gần đây có khi rớt xuống chỉ còn 48.000 - 49.000 đồng/kg, tương đương thời điểm tháng 4 - 5 vừa qua.
"Do trang trại chăn nuôi khép kín từ khâu con giống cộng với việc nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, thêm vào đó thời gian gần đây giá thức ăn giảm nhẹ nên tôi chưa bị lỗ nặng như đợt trước mà chỉ mới lỗ tiền nhân công, điện nước và khấu hao cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì thua lỗ lớn là điều khó tránh khỏi. Với thực tế dịch bệnh và giá thành hiện nay, không ai dám tái đàn", ông Thắng lo lắng.
Thực tế hiện giá heo hơi cao nhất thị trường là 53.000 đồng/kg chỉ ghi nhận ở một vài địa phương trong cả nước, giá phổ biến 50.000 - 51.000 đồng/kg và thấp nhất là 48.000 đồng/kg. Nếu so với giá đỉnh điểm 66.000 - 67.000 đồng/kg nửa cuối tháng 7 thì hiện giá heo hơi đã giảm đến 15.000 đồng/kg. Giá heo hơi của VN hiện tương đương các nước lân cận và đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Với giá heo hơi hiện tại thì các doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều, còn các hộ chăn nuôi nhỏ đang quay lại thời kỳ thua lỗ vì giá thành chăn nuôi còn khá cao, bình quân khoảng 54.000 đồng/kg". Ông Công dự báo xu hướng giá heo hơi có thể ảm đạm đến hết tháng 10. Sau thời điểm đó, thị trường có thể chuyển sang giai đoạn mới lạc quan hơn.
Với giá heo hơi hiện tại thì các doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều, còn các hộ chăn nuôi nhỏ đang quay lại thời kỳ thua lỗ vì giá thành chăn nuôi còn khá cao, bình quân khoảng 54.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trí Công (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai)Theo các chuyên gia chăn nuôi, tình hình giá heo hơi giảm có nguyên nhân đầu tiên là sức mua thấp vì kinh tế khó khăn kéo dài. Giá giảm bắt đầu từ tháng 7 âm lịch khi có nhiều người chuyển sang ăn chay. Ngay sau đó lại rơi vào tháng tựu trường, gánh nặng "sách vở" khiến nhiều gia đình tiết kiệm chi tiêu, trong đó sản phẩm thịt heo bị ảnh hưởng nhiều.
"Trước đây, nếu thịt nóng tiêu thụ khó khăn thì các sản phẩm thịt mát, thịt chế biến sẽ tiêu thụ tốt và ngược lại. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay cả 3 nhóm sản phẩm này điều tiêu thụ chậm. Thị trường thật sự rất khó khăn", đại diện một chuỗi cung cấp thịt lớn tại TP.HCM cho biết.
Ngoài yếu tố thị trường còn có yếu tố hiện tại các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi, bùng phát ở một số địa phương. Trước tình cảnh đó, ở những nơi lân cận được xem là có nguy cơ, người dân tranh thủ bán sớm để né dịch và cắt lỗ. "Khi giá tăng, tâm lý chung là mọi người neo lại chờ giá tăng thêm; khi giá xuống ai cũng muốn tranh thủ bán sớm vì sợ giá lại giảm sâu. Điều này càng làm thị trường mất cân đối và giá giảm", một chuyên gia phân tích.
Mùa cuối năm liệu có khởi sắc ?
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết trong 9 tháng năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chăn nuôi heo vẫn phát triển. Ước tính tổng đàn heo của cả nước tăng khoảng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt gần 3,6 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện người chăn nuôi chưa tái đàn do vẫn lo ngại nguy cơ bùng phát lại các ổ dịch tả heo châu Phi.
Giải thích về nguyên nhân dịch tả heo châu Phi ở một số địa phương, ông Nguyễn Trí Công nói: "Nhiều người vẫn thắc mắc về việc vì sao đã có vắc xin phòng bệnh nhưng có vẻ nó vẫn không phát huy tác dụng như kỳ vọng. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì nhiều trang trại đặc biệt là các trang trại nhỏ vẫn chưa nắm vững và thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật khi tiêm phòng nên bệnh vẫn xuất hiện và bùng phát ở một số nơi". Dịch bệnh góp phần làm cung vượt cầu nhưng nó chỉ mang tính thời điểm. Hiện nay sắp vào mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm nên có thể sang tháng 11 thị trường bắt đầu hồi phục. Giá có thể tăng nhẹ và ở mức đảm bảo người chăn nuôi có lãi nhưng khó vượt quá mốc 60.000 đồng/kg.
Trước lo ngại về việc thiếu thịt vào mùa cao điểm cuối năm khi tâm lý lo ngại tái đàn, ông Công phân tích: Hiện tại việc tạm ngưng tái đàn chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi trang trại nhỏ. Trong khi các trại lớn và doanh nghiệp có khả năng kiểm soát được dịch bệnh nên vẫn duy trì chăn nuôi theo kế hoạch. Chúng ta mới chuẩn bị bước sang tháng 9 âm lịch và vẫn còn 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Đây là khoảng thời gian đủ dài để các doanh nghiệp chuẩn bị và thị trường phục hồi.
Đại diện một doanh nghiệp phân tích thị trường cũng không lo lắng nhiều về việc thiếu nguồn cung thịt heo. Vì ngoài tổng đàn heo tăng trong 9 tháng qua thì đàn gia cầm cũng tăng. Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 3,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Bên cạnh đó, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng trứng gia cầm đạt 14,2 tỉ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò và sản lượng thịt cũng tăng nhẹ. Với nguồn cung đạm động vật dồi dào như vậy, người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn cho những sản phẩm phù hợp với sở thích và túi tiền của họ.
Ngoài yếu tố cung cầu nội địa, có thể thấy việc giảm giá thịt heo là xu thế chung của thị trường toàn cầu do cung vượt cầu. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm 2023 ở mức cao tại nhiều nguồn cung quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Canada và EU. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá thịt ở các thị trường này liên tục giảm trong thời gian qua. Để cân đối cung cầu, các nước đang tiếp tục điều chỉnh giảm đàn.
Đàn heo VN đứng thứ 5 thế giới
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ngành chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Theo đó, tất cả các sản phẩm chăn nuôi: thịt heo, gà, bò, sữa, trứng… có tốc độ tăng trưởng cao, phù hợp với định hướng phát triển. VN với tổng đàn heo là 29,1 triệu con, đứng thứ 5 thế giới. Ngành chăn nuôi đóng góp 26,7% cơ cấu ngành nông nghiệp với giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng năm 2023 đạt 369 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức đang đè nặng lên ngành chăn nuôi như thị trường tiêu thụ và mức tiêu thụ giảm. Chưa kể, nhập lậu động vật, gia súc và gia cầm vẫn còn diễn ra âm ỉ. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn chăn nuôi tuy đang hạ nhiệt nhưng giá nhiên liệu lại tăng thì ngành nông nghiệp cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề an toàn dịch bệnh vẫn còn là thách thức lớn khi chưa thể kiểm soát tuyệt đối.