Chính sách thu hút chuyên gia,ộngcửađónngườitàigiỏảnh blox fruit nhà khoa học được TP.HCM thực hiện đầu tiên từ năm 2004 khi thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học, quy tụ được nhiều kiều bào, chuyên gia đầu ngành giúp sức. Sau 20 năm, các chính sách mới tiếp tục được đưa ra từ năm 2013 theo kết luận của Thành ủy TP.HCM và năm 2018 theo Nghị quyết 20/2018 của HĐND TP.HCM. Thế nhưng 5 năm qua, TP.HCM chỉ mời gọi được 5 chuyên gia, nhà khoa học về làm việc cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao.
NHẬN DIỆN NHỮNG BẤT CẬP
Theo đánh giá của Sở Nội vụ TP.HCM, một trong những nguyên nhân chủ quan là chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, mức đãi ngộ về thu nhập chưa đảm bảo cạnh tranh.
Theo đó, chuyên gia được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, phụ cấp khuyến khích 1% kinh phí cho mỗi công trình nghiên cứu, tiền thuê nhà tối đa 7 triệu đồng/tháng. Còn lương hằng tháng tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp. Với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, chuyên gia chỉ nhận từ 15,8 - 16,9 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này sau khi trừ khoản đóng BHXH chỉ bằng 3 lần mức lương tối thiểu vùng (TP.HCM là 4,68 triệu đồng/tháng).
Chính sách đãi ngộ của từng đối tượng theo Nghị quyết 20/2018 cũng có sự chênh lệch lớn khi người có tài năng đặc biệt được hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng từ 30 - 50 triệu đồng. Như vậy, mức thu nhập hằng tháng của chuyên gia, nhà khoa học chỉ tương đương 56% thu nhập của người có tài năng đặc biệt. Sự chênh lệch này dẫn đến so bì, khiến chính sách thu hút không thống nhất.
Hệ quả, các đơn vị đăng ký, UBND TP.HCM đăng tải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng số lượng tham gia rất hạn chế. Riêng vị trí người có tài năng đặc biệt, dù được nhận mức thù lao cao nhất cũng không có nhân sự đăng ký.
Nếu như 20 năm trước, TP.HCM là địa phương tiên phong thu hút người tài thì nay nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Cần Thơ... cũng đã và đang xây dựng chính sách thu hút riêng theo cơ chế đặc thù. Sở Nội vụ cho rằng nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách, TP.HCM sẽ gặp nhiều áp lực trong cạnh tranh thu hút nhân tài, ảnh hưởng đến vai trò là địa phương đi đầu trong hội tụ và phát huy nhân lực chất lượng cao.
TP.HCM trả lương 120 triệu đồng để thu hút và giữ chân người tài
Cũng theo Sở Nội vụ, các nghị quyết của T.Ư và TP.HCM đặt ra mục tiêu rất cao, nhiều đề án, dự án, chương trình có nhu cầu thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học như đề án khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đường Vành đai 4… Vì vậy, chính sách thu hút không chỉ cho mục tiêu trước mắt mà còn phải có tính dự báo, tạo nền tảng để đón đầu lực lượng lao động trình độ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
TĂNG ĐÃI NGỘ
Hiện TP.HCM đang áp dụng 3 chính sách thu hút người tài. Trong đó, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt theo Nghị quyết 20/2018 của HĐND TP.HCM thu hút được 5 người trong 5 năm. Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định 140/2017 của Chính phủ thì không thu hút được người nào trong 5 năm. Mới đây, HĐND TP.HCM thông qua chính sách mới, áp dụng cho lãnh đạo, quản lý tại các tổ chức khoa học và công nghệ, mức lương hằng tháng từ 60 - 120 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Sở Nội vụ đang xây dựng chính sách đãi ngộ mới cho 2 đối tượng là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Trong đó, ưu tiên giải quyết bất cập về chính sách tiền lương, đảm bảo mức thu nhập tương xứng với sức lao động, trí tuệ và năng lực người tài. Trong dự thảo nghị quyết, phạm vi áp dụng chính sách được mở rộng, không chỉ các sở ngành và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.HCM mà còn UBND 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Về mức đãi ngộ, Sở Nội vụ đề xuất tăng mức thu nhập hằng tháng, đồng thời không quy định mức thu nhập khác nhau giữa các đối tượng. Theo đó, thu nhập hằng tháng thống nhất từ 30 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất điều chỉnh nâng mức khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ, phát triển công nghệ từ 1 - 5% tổng kinh phí ngân sách chi trả cho công trình đó, thấp nhất 50 triệu đồng/người và cao nhất 1 tỉ đồng/người. Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung điều khoản áp dụng chính sách thu hút, đãi ngộ cho các cá nhân có đề án, đề tài, công trình, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu mà TP.HCM đề ra theo dạng "đặt hàng".
TS Nguyễn Thị Phương, Phó giám đốc phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM, chia sẻ đối với những người có tài năng đặc biệt, thì đôi khi thu nhập không phải là vấn đề mà họ quá quan trọng. Thay vào đó, họ quan tâm hơn đến môi trường làm việc, và họ ngại cơ chế làm việc ảnh hưởng đến việc phát huy năng lực của mình. Do vậy, chính sách mới cần chú trọng đến môi trường làm việc để giữ chân được họ, có thể làm việc bán thời gian trong từng chương trình, dự án, đề án hoặc nhiệm vụ cụ thể thay vì biên chế vào một cơ quan nào đó của thành phố.
CẦN SỰ LINH HOẠT, CHỦ ĐỘNG
TS Phương dẫn chứng khi làm việc với các địa phương, có tình trạng so bì giữa người tài được thu hút và công chức bình thường, do thu nhập chênh lệch khá lớn giữa 2 nhóm. Điều này dẫn đến sự không hợp tác, hiệu quả công việc không cao. Cũng theo TS Phương, khi thu hút chuyên gia thì cần đặt vấn đề sòng phẳng. Bởi đối với các chuyên gia có tài năng đặc biệt, có thể lương hằng tháng 100 - 200 triệu đồng không là gì, nhưng đối với ngân sách thì đó là khoản tiền lớn, bằng quỹ lương tháng của một cơ quan bình thường. Như vậy, phải có cơ chế rõ ràng, sòng phẳng để đánh giá hiệu quả công việc của chuyên gia với khoản kinh phí được hưởng.
TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, đánh giá chính sách thu hút mà Sở Nội vụ đang xây dựng thực sự đột phá, nhưng có 2 vấn đề cần tính toán thêm. Đầu tiên là quy trình thủ tục thu hút, việc yêu cầu chuyên gia nộp hồ sơ, lập hội đồng đánh giá, phỏng vấn đôi khi đụng đến cái tôi, lòng tự trọng cá nhân của chuyên gia nên thường ít người chấp nhận. Còn về thủ tục, cách tuyển chọn từ trên xuống như hiện nay là dựa vào nhu cầu nghiên cứu của cơ quan đặt hàng gửi về, sau đó TP.HCM tuyển dụng rồi phân bổ có thể sẽ dẫn đến "lệch pha" giữa nhu cầu và con người tuyển chọn.
"Hơn ai hết, trung tâm biết được mình cần cái gì và cần ai. Vậy nên cần tạo chủ động cho đơn vị thụ hưởng được tuyển chọn, đàm phán, chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên gia", ông An đề nghị.
Thứ hai là mức thù lao từ 30 - 100 triệu/tháng, đối với chuyên gia thực sự giỏi cũng chưa đủ sức hấp dẫn. Bởi theo TS An, người tài có thể không giàu, không vì tiền nhưng muốn khẳng định thương hiệu cá nhân thông qua mức thù lao. Chưa kể, việc được hưởng 1 - 5% tổng kinh phí được cấp từ ngân sách cho đề tài, dự án cũng thực sự rất khó lượng hóa kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, thương mại hóa để thưởng cho chuyên gia.